“Trong tương lai, nếu đặt mục tiêu ‘con học tốt để vào được Đại học’ thì là sai lầm rồi!” – PGS TS Lê Anh Vinh – Viện phó Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng trẻ em cần nhiều yếu tố khác như kỹ năng tự học, khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, giao tiếp hiệu quả, đặt mục tiêu… để có thể tồn tại trong thị trường lao động những năm 2030.
Cách mạng 4.0 có thể là khái niệm mới mẻ với nhiều bố mẹ, tuy nhiên đó có thể là viễn cảnh mà những em bé đang bước vào lớp 1 hiện nay có thể phải đối mặt khi lớn lên.
Trong tọa đàm mới đây với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam”, các chuyên gia cho rằng hiện nay chưa có cơ sở gì để nhìn nhận và đánh giá một cách cụ thể về cách mạng công nghiệp 4.0, mà chỉ dựa trên những nghiên cứu và đánh giá của chuyên gia thế giới, đồng thời suy luận dựa trên hạ tầng viễn thông và Internet, các số liệu thống kê về số người sử dụng Internet và điện thoại thông minh, mức độ phổ cập giáo dục, cũng như tính cách, sự ham học hỏi và suy luận logic của người Việt.
PGS TS Lê Anh Vinh – Phó viện trưởng Viện giáo dục Việt Nam dẫn số liệu từ Citigroup/World Bank dự đoán về số lượng công việc sẽ được thay thế bởi tự động hóa trong tương lai là khoảng 60-70% ở các nước phát triển và 35-50% tại các nước như Mỹ và Châu Âu.
Dự đoán về công việc bị thay thế bởi tự động hóa ở các nước
Nhà tương lai học Thomas Frey dự báo 2 tỷ việc làm – chiếm 50% việc làm hiện nay sẽ biến mất vào năm 2030. Các thành phố lớn trên thế giới được dự đoán là sẽ đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp trên 80% vào năm 2030, khi việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và người máy trong hầu hết các ngành công nghiệp. Nói theo cách của Martin Boehm – Tiến sỹ Marketing đến từ trường kinh doanh IEBS (Innovation & Entrepreneurship Business School), “chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng cho một thế giới mới mà về cơ bản là không thể chuẩn bị gì cho họ”.
>>>>Xem thêm : Toán học tư duy là gì? Làm sao để trẻ yêu thích môn toán?
PGS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ: “Nếu như ngày trước chỉ cần tốt nghiệp đại học là có thể có việc làm, nếu có thêm khả năng tiếng Anh thì sẽ có công việc tốt, thì tương lai, mọi thứ không còn như vậy nữa.” Công việc trong tương lai có những đặc tính mới đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng khác ngoài tấm bằng đại học hay kỹ năng tiếng Anh. “Nếu bạn đang đi làm và thấy mình làm việc như một cái máy, hay học như một cái máy, thì tương lai khả năng bị thay thế bởi người máy là điều có thể hiểu được” – PGS TS Lê Anh Vinh nói.
PGS TS Lê Anh Vinh, Viện phó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
PGS.TS Lê Anh Vinh dẫn ra 6 đặc điểm của công việc trong tương lai, đó là: trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, giao tiếp đa phương tiện và tính đa ngành – liên ngành trong công việc.
Những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, có thể dự đoán trước, lao động cấp thấp sẽ thất thế trong cuộc cạnh tranh với người máy. Theo PGS.TS Lê Anh Vinh, trường học và cha mẹ cần chuẩn bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng dưới đây để sẵn sàng cho tương lai.
>>>>Xem thêm : 5 nguyên tắc dạy toán cho trẻ của tiến sĩ Harvard Lê Anh Vinh
Yêu thích việc học và có khả năng tự học
Nghe có vẻ hô khẩu hiệu nhưng yêu thích việc học và khả năng tự học là cơ bản cực kỳ quan trọng mà học sinh, sinh viên Việt Nam thiếu hụt. PGS TS Lê Anh Vinh chia sẻ trải nghiệm khi học tập ở nước ngoài, thường sinh viên Việt Nam có nền tảng kiến thức tốt hơn sinh viên nước ngoài vào năm thứ nhất, nhưng những năm học tiếp theo bị vượt qua. Điều đó bắt nguồn từ việc động lực học tập của sinh viên nước ngoài không phải là giành lấy bảng điểm đẹp mà là chính bản thân niềm yêu thích đối với kiến thức.
Khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp
Trong trường học, mọi bài toán đều có lời giải nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy. PGS.TS Lê Anh Vinh đùa rằng học sinh sinh viên bây giờ mới biết “Exercise – Solving” (giải bài tập) chứ chưa phải là “Problem Solving” (giải quyết vấn đề) để chia sẻ về thực trạng thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề của sinh viên Việt Nam. Trong tương lai, khi những công việc đơn giản, lặp lại, hoặc những công việc đòi hỏi tính toán, tổng hợp thông tin có sẵn… được thay thế bởi robot, người lao động phải có khả năng phân tích, tổng hợp, xử lý các vấn đề phức tạp, quản lý rủi ro – là điều mà người máy không thể làm được.
Kỹ năng đặt mục tiêu
Cùng với khả năng tự học, người lao động trong tương lai chỉ có thể thích ứng được với môi trường lao động không ngừng thay đổi bằng khả năng đánh giá tình hình và đặt ra mục tiêu phù hợp cho bản thân, có động lực bên trong để thực hiện được mục tiêu, đo lường sự tiến bộ của bản thân trong quá trình thực hiện.
Tư duy cởi mở, học tập ngoài nhà trường
Khi chia sẻ tại buổi tọa đàm về thị trường lao động thời đại 4.0, TS Phạm Quang Ngọc, chuyên gia về kinh tế và thị trường lao động cho rằng tương lại thuộc về những người đổi mới chứ không phải những người lo sợ sự đổi mới. Tư duy cởi mở, thấu đáo và khả năng thích nghi, khả năng học hỏi ngoài nhà trường là điều không thể thiếu để thế hệ trẻ sẵn sàng cho thị trường lao động tương lai, theo PGS.TS Lê Anh Vinh, Viện phó Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Theo : Đời sống & Pháp Lý